MÔ HÌNH QUẢN LÍ HỌC SINH CHƯA NGOAN “BIỆT ĐỘI HƯỚNG DƯƠNG”
MÔ HÌNH QUẢN LÍ HỌC SINH CHƯA NGOAN “BIỆT ĐỘI HƯỚNG DƯƠNG”
NĂM HỌC 2019 - 2020
Trong khoảng thời gian gần đây, ngành giáo dục thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo chí với những tâm điểm nóng hổi về vụ việc đánh nhau giữa các em học sinh, những sai phạm của một số cán bộ giáo viên như vụ việc học sinh lớp 7 ở Vĩnh Long bị bạn đánh vào đầu, một học sinh nữ bị đánh hội đồng ở Quảng Ninh, hay vụ cô giáo đánh 22 học sinh bị bầm tím tay chân ở Bà Rịa – Vũng Tàu... tất cả những hình ảnh ấy đang dần làm mất đi vẻ đẹp của nghề dạy học. Khen và tuyên dương thì ít ỏi, hiếm hoi nhưng những bài viết phản ánh khía cạnh tiêu cực khá nhiều và dường như là vấn đề không có to tát và hiếm hoi như trước đây của ngành giáo dục.
Có thể nói rằng ở bất kỳ cấp học nào, loại hình trường học nào cũng có đối tượng HS chưa ngoan. Giáo dục học sinh (HS) chưa ngoan trong nhà trường là một vấn đề cấp thiết nên luôn nhận được sự quan tâm của thầy cô, nhà trường và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và tổ chức đoàn thể Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của trường.
Trường THPT Tràm Chim được xem là trường vùng xa của tỉnh Đồng Tháp, nhưng với lợi thế nằm trên địa bàn thị trấn và cạnh Vườn Quốc gia Tràm Chim nên có điều kiện thuận lợi tiếp nhận nhiều thông tin mới về sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều vấn đề kéo theo đặc biệt là ảnh hưởng lối sống tiêu cực, thích thể hiện mình. Bên cạnh đó, vẫn còn một số học sinh chưa thấy được ý thức và trách nhiệm của bản thân nên vẫn thường xuyên có những vi phạm lặp đi lặp lại vô tình đẩy các em vào diện học sinh chưa ngoan. Biểu hiện chung mà chúng ta vẫn thấy đó là việc các em học sinh nói tục, chửi thề, cố tình vi phạm nội quy trường lớp, nói dối thầy cô, gia đình, nghiện game, gây gỗ đánh nhau, lười học, nghiêm trọng hơn là dính vào các tệ nạn xã hội: hút thuốc, uống rượu, cờ bạc….
HS chưa ngoan thường là các HS có những hành động khiến cho lớp học luôn trong trạng thái bất ổn. Đó là những em thường xuyên ăn nói thô tục, có xu hướng giải quyết xung đột với bạn bè bằng vũ lực, thích nổi loạn, thường xuyên đứng ngoài cuộc các hoạt động học tập của lớp. Không chỉ xem thường bạn bè, thầy cô, những đối tượng này thường có những hành vi chống đối GV.
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho HS chưa ngoan nhưng tựu trung lại là do yếu tố gia đình và môi trường sống. Nguyên nhân thường thấy nhất là: gia đình của HS thường xảy ra xung đột, mâu thuẫn, thiếu hạnh phúc; đời sống kinh tế của gia đình HS khó khăn; HS mất căn bản kiến thức ở một vài bộ môn; bị bạn bè lôi kéo vào những hoạt động vô bổ, sai trái và cũng không loại trừ lý do một vài thầy cô nào đó có những hành động khiến cho các em mất lòng tin, không tìm được nơi chia sẻ. Và một nguyên nhân mà chúng ta không thể bỏ qua đó là sự bùng phát của công nghệ thông tin với mạng xã hội Face book, Zalo, Ingsratam… cuốn các em vào thế giới ảo và làm theo những xu hướng “hot trend” tiêu cực.
Từ những nguyên nhân trên, mô hình biệt đội Hướng dương là công tác tập hợp được các em và đưa ra nội dung hoạt động có định hướng nhằm giúp các em ổn định về tâm lí, là nơi để các em chia sẻ tình cảm và suy nghĩ của cá nhân, là kênh thông tin để nắm bắt được những vấn đề nảy sinh trong học đường, từ đó kịp thời ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực để xây dựng một môi trường học tập thân thiện và lành mạnh.
Để đưa ra được khái niệm về học sinh chưa ngoan thì đó là vấn đề khá trừu tượng, việc xác định như thế nào là học sinh chưa ngoan cũng là vấn đề cần nghiên cứu. Vì theo bản thân, các em chưa ngoan có thể xuất phát chỉ vì một hoặc hai nguyên nhân nào đó, còn về cơ bản các em vẫn ý thức được một số việc mình làm. Chỉ là ở chỗ các em đang bất ổn về tâm lí và người giáo viên cần làm công tác định hướng giáo dục các em.
Khảo sát trong học kì I ở lớp 12CB3, có khoảng 7/35 học sinh được xếp vào diện học sinh chưa ngoan. Biểu hiện thường xuyên: mất trật tự giờ học, không hợp tác với giáo viên, không chép bài học bài và làm bài, không thực hiện đồng phục của trường......
Từ đó, BCH Đoàn trường và Hội LHTN của trường đã đưa ra mô hình quản lí học sinh chưa ngoan với tên gọi “Biệt đội Hướng Dương”. Lồng ghép nhiều hình thức hoạt động.
STT | Thời gian | Nội dung |
1 | 10p | Trò chơi khởi động để tạo sự hứng khởi cho các em. |
|
| Kể chuyện có bài học ý nghĩa: “Người mẹ điên”. Sauk hi nghe xong câu chuyện, các em học sinh sẽ được phát một mẩu giấy nhỏ và trình bày những suy ngẫm của bản thân về câu chuyện. Giáo viên sẽ trao sticker cho cảm nhận hay nhất. |
2 | 20p | Cuộc thi thể hiện bản lĩnh: năng khiếu bản thân, trò chơi vận động theo nhóm, đội. Tăng khả năng hợp tác, sự đoàn kết trong tập thể cho các em. Giáo viên quản lí cũng cần nêu ý nghĩa của trò chơi. |
3 | 30p | Xem video clip có ý nghĩa: phim tư liệu lịch sử, tuyên truyền an toàn giao thông, tác hại của thuốc là - ma túy, clip quảng cáo mang ý nghĩa giáo dục. Sau khi xem xong các em tham gia thảo luận để rút ra bài học ý nghĩa. Sau đó, đại diện nhóm học sinh sẽ đứng lên trình bày suy nghĩ. |
4 | 30p | Cho các em tham gia hoạt động xã hội bên trong và ngoài nhà trường (nhặt rác bảo vệ môi trường, trồng cây,…) |
Việc tập hợp các em thấy đơn giản nhưng thực sự không dễ, nếu không khéo chúng ta vô tình mang đến tâm lí “phân biệt đối xử” cho các em, mà ở đây lại là những học sinh rất nhạy cảm. Do đó, việc tập hợp các em trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn thanh niên và GVCN của các lớp. Tìm hiểu các đối tượng có những biểu hiện thường hay vi phạm và hay có ý chống đối tập thể, giáo viên, thường xuyên gây ra những bất ổn cho lớp. Đưa các em vào danh sách có xen kẽ 1 hoặc 2 học sinh tiên tiến và khá giỏi của lớp. Tập hợp các em vào danh sách chung để theo dõi.
Trong năm học qua, mô hình giáo dục học sinh chưa ngoan "Biệt đội Hướng dương" đã góp phần giáo dục nhân cách của học sinh cũng như sự nổ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện. Tiêu biểu là em Nguyễn Tín Duy - năm lớp 11 phải thực hiện rèn luyện hè vì hành vi đánh nhau với bạn. Ngay từ đầu năm học vẫn còn nhiều vi phạm, học lực chỉ ở mức trung bình yếu, qua thời gian tham gia "Biệt đội Hướng dương" thì sức học của em nâng cao rõ rệt và là cánh chim đầu đàn của tập thể 12CB3 trong học tập và hoạt động. Cuối năm học 2019 - 2020 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và có nhiều cơ hội đậu vào các trường đại học cao đẳng.
Người viết bài: Mai Thị Thuỳ Trang - P.BT Đoàn trường